Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CẢM NHẬN TẬP THƠ“ CON SÔNG CHÚNG MÌNH” CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN THỊ KIM LIÊN



Tập thơ “Con sông chúng mình” đã thêm một bước tiến lớn cho tác giả Nguyễn Thị Kim Liên (còn có bút danh là Sông Hương) Tác phẩm gồm 50 bài thơ càng tỏa sáng sự tưởng tượng phong phú và sâu sắc, càng cho người đọc thấy vẻ đẹp của dòng sông…
   Bốn chữ "Con sông chúng mình" vẻ lên hình tượng của nó như nằm trên mặt nước sông Vàm. Tác giả yêu thích mặt trường giang, ngắm hoa tím lục bình trôi lơ lững, say theo con đò kẽo kẹt trên sông, đắm mình trong làn nước xanh bốn mùa …mà cảm hứng thành thơ:
Quê em có dòng sông Vàm
Bốn mùa xanh con nước êm đềm
Cả bốn mùa câu hò êm ả
Bốn mùa nương con sóng mênh mang…
   Tác giả yêu Trảng Bàng quê mình bốn mùa nhìn theo con nước ròng nước lớn, tận hưởng những con sóng vỗ thì thầm quanh năm suốt tháng gắn liền với cuộc đời. Tác giả xem dòng sông là bạn trong những buổi chiều buông lung linh theo dòng nước:
Nhớ Vàm Cỏ, Vàm Cỏ ơi !
Cuộc đời em đó,
chảy dọc nỗi vui buồn sướng khổ phải không anh ?
   Quả là tâm sự của tác giả dồn hết cho con sông Vàm. Con sông như  vơi đi ưu buồn, chia sẻ nỗi niềm riêng, như dâng tào cảm xúc vui tươi, hạnh phúc  của cuộc đời. Con sông như gắn bó với thơ ca, như dòng chảy đầy yêu thương, trắc ẩn.  Khiến, lòng ta mỗi lần nhắc đến tác giả thì tự nhiên cũng nhớ ngay đến con sông. Ngay với bút hiệu Sông Hương, ta cũng thấy cả một dòng sông đầy thơ mộng. Đây, dòng sông Vàm chứa chan:
Vàm Cỏ của em và Vàm Cỏ của anh
cho chúng mình một hương đầm thấm
Một tình yêu ngọt ngào sâu đậm
Và dập dìu như con nước dịu êm.
Đấy !  Vàm Cỏ và kỷ niệm cứ như nhìn là thấy…
Nét chung của nhà thơ Nguyễn Thị Kim Liên là một nhà giáo hiền hòa và giản dị, thích hòa đồng cùng xã hội, yêu mến bạn bè văn học. Nét riêng của tác giả là thường gửi vui buồn lẫn lộn trầm mặc theo dòng nước.
     Có lần nhìn thôi, cũng đủ cho nhà thơ dậy lên nỗi lòng xúc cảm nhớ đến mẹ hiền trĩu nặng trong lòng, tưởng tượng lại một thời thơ ấu đã đi qua…
Thân có lặn lội bờ sông
Cho con những bữa no lòng mẹ ơi !
   Có lẽ khi thành đạt, mẹ không còn ở trên cõi đời nữa nên tác giả lặng lẽ với thời gian trôi qua mau trong cuộc đời. Phải nói người phụ nữ nhà thơ ấy đã rất đảm đang lo cho gia đình một cuộc sống hạnh phúc, nhưng cũng không quên chữ hiếu thiêng liêng của mình. Cụm từ “ cho con những buổi no lòng” thật không đơn giản. Mẹ đã phải biết bao vất vả, mồ hôi, cả nước mắt nữa…để có được ước mơ lớn nhất của đời mình. Và tiếng kêu “ Mẹ ơi ! kia nghe thiêng liêng và tha thiết làm sao ! Hình như trong bất kỳ người nào, tiếng kêu ấy vẫn là tiếng của yêu thương ngọt ngào nhất. Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Liên thơ cũng thế, “Mẹ ơi !” nghe sao mà thắm thiết…Vì vậy, nhớ đến mẹ, nhà thơ tràn ngập nỗi lòng… Và cũng từ đó, nhà thơ Nguyễn Thị Kim Liên thơ tạo dựng cho con mình cả một tương lai tươi sáng. Những bài thơ viết cho con cứ như tràn ra tình thương yêu người mẹ. Chẳng những nhà thơ đã không phụ lòng lớp trước đời bà đời mẹ gian khổ, lại còn là người mẹ  bao la tình thương con….
  Cũng có lúc tác giả:
Một mình tôi giữa mênh mông
Một mình tôi giữa thinh không tình người …
    Thấy lòng trống vắng như giữa trời mênh mông ao ước một điều gì hòa nhập hồn thơ. Phải chăng vì thế mà tác giả tìm nơi tĩnh lặng để một mình thổn thức nỗi lòng và ngân lên những câu thơ tuyệt dịu. Tôi rùng mình, khi đọc tới mấy chữ “thinh không tình người” ? Sao thế ! Tình người mà thinh không ư ? Phải chăng, cũng có lúc tác giả cô đơn, cô đơn đến thinh không tình người ? Thế là trong "Con sông chúng mình" đôi khi ta cũng gặp chỉ có một mình…
    Là người yêu thơ, cảm nhận "Con sông chúng mình" thật ngọt ngào êm dịu, ngôn từ đời thường mà tha thiết làm sao ! Tác giả luôn đi tìm một lối đi riêng cho mình. Cách tân, vốn là quy luật của thơ ca. Và ta có một Nguyễn Thị Kim Liên ngọt ngào mê đắm…
     Tác giả có hai tập thơ đầu tay “ Ánh đèn phố núi” và “ Môi ngọt”. Bây giờ là "Con sông chúng mình". Ba tâp thơ cũng đủ nói đến một Sông Hương trong lòng người hâm mộ. Không ngờ, đất Trảng lại có một nữ thi sĩ tài năng trong sự nghiệp văn chương, nguồn lực thơ dồi dào, một tâm hồn cao đẹp như thế ! Chắc chắn, nhà thơ còn có cả con đường dài trong sự nghiệp. Vững vàng trong cuộc sống gia đình, tài hoa trong thơ ca…đó là những gì mà tác giả gởi lòng mình qua tập thơ để dâng đời mãi mãi.
     Khép lại tập thơ, ta bỗng thấy cả "Con sông chúng mình" như chảy vào tim, chảy vào tình yêu của chính chúng ta niềm cảm xúc vô biên. Vâng ! "Con sông chúng mình" giờ đây không chỉ riêng tác giả, mà sẽ trở thành con sông của tình yêu đôi lứa …chảy mãi chảy mãi…

                                                               THANH NHÀN  -  28/12/2012

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI


Nhân dịp câu lạc bộ thơ Bình Thạnh đi họp mặt anh em văn nghệ sĩ của trang web “datdung” để nhận tập tuyển thơ “datdung 3”, chúng tôi ngỏ ý đi thăm nhà thơ Phù Sa đang nằm dưỡng bệnh tại làng Hòa Bình, phía sau bệnh viện đa khoa Tây Ninh. Cả đoàn thống nhất cao.  Và những chiếc xe, từ Long Hoa quanh ngược về Thị xã….
        CLB thơ Bình Thạnh hỏi thăm bệnh tình Phù Sa. Ngồi ngẫm nghĩ thật lâu, Phù Sa mới thốt lên: “Không lẽ tới đây đã mất và mất tất cả sao ?”. Nước mắt cứ chảy dài trên má…làm cho chúng tôi lòng cứ xót xa đau. Tuổi đời của Phù Sa chưa cao lắm, nhưng tâm hồn nghệ sĩ vút cao, cao hơn tuổi đời mình. Vậy mà giờ đây, Phù Sa lại nói như thế. Không thể nào mất tất cả đâu Phù Sa ! Ông trời chẳng lẽ không mở ra một con đường cho những con người tài hoa hay sao ? Phũ phàng như vậy sao ?
      Phù Sa trút cạn tâm tư mình để dâng hiến cho đời. Phù Sa là một văn nghệ sĩ đa tài của Tây Ninh, chẳng may lâm vào trọng bệnh khi mê khi tỉnh. Khi khỏe, Phù Sa vẫn sáng tác trên giường bệnh và họa thơ với CLB thơ Bình Thạnh. Phù Sa một tâm hồn cao đẹp, một tài năng của nghiệp văn chương. Hỡi những văn nhân thi sĩ chúng ta chỉ “A lô !” thăm hỏi sức khỏe Phù Sa thì cũng là một niềm vui an ủi lớn rồi ! Có lẽ đó còn là một lời đông viên để Phù Sa vượt qua cơn trọng bệnh, trở lại cùng chúng ta.
    Sự nghiệp văn chương Phù Sa chưa nhiều, nhưng lại là một triển vọng của Tây Ninh. Hai tác phẩm thơ một tuyển tập vọng cổ cũng đủ để nói lên một Phù Sa trong lòng người hâm mộ. Là một người con gái thùy mị, yêu  thương,  nhưng cuộc đời thì là một chuỗi tháng năm buồn. Hình như ông trời vẫn còn cay nghiệt, đem mâu thuẫn tài mệnh với người con gái Tân Châu trìu mến này. Hiện tại cô sống trong tình cảnh y như tập thơ của mình “Chiếc bóng bên đời” Người ta có cảm giác “chiếc bóng bên đời” đang một mình vượt qua cơn sóng dữ. Ta hãy nghe, ngay cả trong cơn bệnh thập tử nhứt sinh, Phù Sa vẫn cố viết:
Chập choạng đêm về, tới sáng mai
Thân đơn thức trắng, suốt canh dài
So tài từng chút hơi mòn mõi
Giành giựt nhiều phen sức dẻo dai
Thần chết rập rình toan lấy mạng
Phù Sa nghênh chiến chẳng buông tay
Trùng khơi sóng cả, dâng cuồng nộ
Vượt biển hai lần, ai giúp ai ?
    CLB thơ Bình Thạnh rất quý mến Phù Sa là một con người giàu tình càm và đẹp thơ ca. Nếu là văn nghệ sĩ với nhau, Phù Sa chưa bỏ lòng bất cứ một ai, nếu biết, thì Phù Sa sẽ có mặt tới giúp vui văn nghệ. Giọng ngâm của Phù Sa như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, rất tuyệt. Với tấm lòng của Phù Sa dành cho, CLB thơ Bình Thạnh chúng tôi ngưởng mộ vô cùng. Bốn lần A lô, là bốn lần Phù Sa có mặt, tặng cho bạn bè mình tiếng hát lời ca, tặng cho bạn bè mình những tập thơ như máu như tim. Phù Sa đã để lại những kỷ niệm thật đẹp.
     Biết làm cách nào chia sẻ cho Phù Sa qua cơn trọng bệnh này đây; biết làm cách nào cho Phù Sa sáng tác lại như xưa và còn mãi tên tuổi trên diễn đàn văn học đây ? Chúng tôi cảm thấy cái gì đó như là vương vấn, như là nuối tiếc tháng ngày qua…
      CLB thơ Bình Thạnh tin chắc rằng Phù Sa sẽ qua khỏi bình phục như xưa, trở lại với đồng nghiệp và trở lại với văn học. Chúng tôi mãi nhớ Tháp cổ Bình Thạnh nơi tao ngộ của chúng ta, giao lưu văn chương và xướng hát một thời… CLB thơ Bình Thạnh cũng không bao giờ quên những anh chị em văn nghệ sĩ Tây Ninh, Gò Dầu những ngày gặp gỡ nơi tháp cổ đầy lý tưởng của những con người lấy niềm vui từ văn học. Tôi nhớ bài cảm nhận của bạn Trần Thị Quỳnh Hoa có viết:
     “ Tôi vẫn còn nhớ giờ gặp nhau hôm ấy...Trong mái đình xưa cũ, bên chân Tháp cổ ngàn năm tôn nghiêm...chúng tôi ngồi quây quần bên nhau với những món ăn đồng nội đượm tình quê hương...bên ngoài trời có lúc mưa giăng mờ mịt nhưng ngôi đình thật ấm áp với những tiếng cười rôm rã, với những tiếng đàn ngọt lịm và giọng hát từ những đáy lòng...
   Vâng ! Trọc phú  thích dùng đồng tiền để mua chuộc nhân tâm, còn với  người làm văn học nghệ thuật thì chỉ có lời thơ, tiếng hát để trao gửi tâm tình...”.
    Mãi mãi, chúng tôi không thể quên được tiếng hát lời ca của các bạn.
   CLB Bình Thạnh ước mong sao, tình đoàn kết yêu thương gắn bó này mãi mãi vững bền, mãi mãi vươn lên. CLB thơ Bình Thạnh rất quý mến và  tiếp tục mong các anh chị về thăm Tháp cổ, để chúng ta có thêm những kỷ niệm cho cuộc đời mình.
     Ai cũng có định luật riêng dành cho mình phải gánh chịu. Nhưng “nhân định thắng thiên” bằng chính trí tuệ và  bản lĩnh của mình hy vọng Phù Sa sẽ vượt qua. Thôi ! Bạn đừng buồn nữa, phải cố lên để vượt qua tất cả. Hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều lần nơi Tháp cổ. CLB thơ Bình Thạnh cầu xin một phép mầu hữu hiệu nào đó, để cho nhà thơ Phù Sa mau bình phục trở lại bước đường văn chương lưu lại cho mai sau.
                                                                   TN - NGÀY 09/12/2012