Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

VE SẦU






                                         THANH NHÀN

Hạ về có nhớ đến ta
Sao ta nhớ hạ hoá ra ve sầu
Cuối mùa không biết về đâu
Kiến nọ có tổ dãi dầu che mưa
Nhà ve ? cành lá đong đưa
Khàn hơi khát vọng sớm trưa tặng đời
Khúc ca tiết tấu ai ơi
Niên học sắp hết lá rơi sân trường
Mỗi độ hạ đến nhớ thương
Ve sầu gợi lại vấn vương ân tình
Vi vu tiếng nhạc lung linh
Thi hài mục rữa bóng hình rã tan
Kiếp ve sao vội rụi tàn
Làm thân không tổ, họ hàng chẳng ai
Âm vang tiếng gọi đêm ngày
Ve sầu ta nhớ, nhớ hoài tiếng ngân. 

                                             TN

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG DÀI CỦA NHÀ THƠ NGUYỆT QUẾ




                                                      

         THANH NHÀN

    Một chiều, tôi về thăm cánh đồng Phước Chỉ Tràm Cát quê tôi ruộng nằm dựa triền bưng. Con kênh xắn múc bây giờ trĩu năng phù sa bồi đắp cho khắp cánh đồng. Tôi ngồi trên bờ và nhìn bông súng trổ xinh xắn trong ánh nắng buông chiều thật là tỉnh lặng. Bỗng nhiên, chợt thấy rau hẹ cũng đua chen theo mặt nước, vượt theo cơn sóng nhỏ thì thầm. Nhìn tia nắng hưởng thụ không gian đầy thơ mộng. Tôi nghĩ về tập thơ “ Tóc rau hẹ” của nhà thơ Nguyệt Quế. Tác giả chọn tóc rau hẹ thật là luyến nhớ mãi mai sau. Từ nông thôn cho đến thành thị  không bao giờ quên món rau hẹ đã có từ ngàn năm qua. Thật thắm thía tình đời mà nhà thơ Nguyệt Quế đã chọn lấy thành tập thơ. Một cái tên gắn liền với kỷ niệm những ngày sống bên mẹ hiền
Ta cùng thưởng thức
Tháng mười gió mỏng se se
Ngoài bưng rau hẹ nở xoè tóc mây
Mong manh sợi bức sợi phai
Rau quê no bữa những ngày ấu thơ
Gió đưa con nước nhảy bờ
Ruộng sâu mẹ lội chân có lêu xêu
                                (Tóc rau hẹ) 
    Những vần thơ này làm cho đọc giả nhớ thuở nhỏ xa xưa theo cha mẹ ra cánh đồng khi lớn lên về thành học hành và sinh sống. Đứng trên lan can lầu ký túc xá, đôi khi cũng thèm món đặc sản rau hẹ của quê hương. Sau tập“ Trăng ngân”, nhà thơ Nguyệt Quế lại có thêm“ Tóc rau hẹ” đầy kỷ niệm này. Rau hẹ, những cánh lá mỏng dài xanh non tơ dưới làn nước mát trên những cánh đồng, những con rạch mà dân quê không ai là khộng biết. Tôi nghĩ nhà thơ Nguyệt Quế có sự sáng tạo trong thơ, để lại hình ảnh tóc rau hẹ thật là sâu đậm. Và nó đã là tên cho cả tập thơ.
   Nhà thơ nhìn núi mây để làm niềm tin yêu của một tâm hồn tạo ra duyên dáng núi mây rất là tuyệt. Tư duy tác phẩm đã viết thành thơ.
Núi vẫn ngàn năm đứng đợi chờ
Mây từ muôn thuở kiếp lang thang
Núi nhớ thương mây hồn hoá đá
Mây nghiêng về núi, núi bạc đầu
                                ( Núi và mây)
    Thơ thật là thơ gạn đục lóng trong. Núi mây vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt của thiên nhiên ấy mà con người rất mến mộ, nhìn nó như nhìn một con người. Nhà thơ Nguyệt Quê hay liên tưởng đến cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp văn chương mà tư tưởng không bao giờ quên người mẹ gỡ rối cho con thời thơ ấu đã đi qua nới cánh đồng bưng rau hẹ. Nên nhà thơ không bao giờ quên ký ức thuở xa xưa, thắm thía tình đời.
Xóm mía chiều nay gió lạnh nhiều
Sông Vàm con nước chảy liu xiu
Bèo trôi có trỡ về bến cũ
Chạnh lòng thời khắc tiếng bịp kêu
                                ( Chiều quê)
   Nhà thơ lại dâng cả nỗi lòng chứa chan nơi quê mình trút cạn tâm tư tràn ngập với sông Vàm. Văng vẳng bên tai những con bìm bịp kêu nghe não nuột oặn thắt bèo hợp rồi tan. Nhà thơ Nguyệt Quế chọn tóc rau hẹ thật điềm đạm cho mình danh phận trên chặng đường dài hương thắm tình quê. Bao giờ, nhà thơ cũng nhớ đến cha mẹ, làng quê nơi mình sinh sống với hương đồng cỏ nội.
Con cua đồng kho chua là bứa
Bàn tay cha mưa nắng bùn lầy
Rau hẹ ghém rối bời tóc mẹ
Con no lòng cơm độn sắn khoai
                                       ( Hương lúa)
     
     Đó là món đặc sắc rất thấm thía cho bao người trìu mến quê hương. Sống với những năm tháng đói rách, ai mà không nhờ vào rau hẹ cũ sắn ?  Bây giờ, nó đã trở thành một món ăn quê, nhưng lúc nào ta cũng trầm ngâm sảng khoái với hiện tại và kỷ niệm. Nhà thơ tâm đắc nhất chính là những tháng ngày “ không thể nào quên”.  Bấy lâu ấp ủ ở thâm tâm nay viết thành tập thơ “ Tóc rau hẹ” này chứa đựng biết bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc với một khoảng đời trống vắng
Nhà anh vắng đàn bà
Nhà em thiếu đàn ông
Chiều vụn về khói bếp
Sáng ngơ ngóng ruộng đồng
                            ( Giậu tím)
      Chắc có lẽ nhà thơ sống chuỗi ngày dài cô đơn, có lúc vui cũng khi buồn tẻ, gợi lại giây phút này. Khói bếp chỉ có một mình dựng lên ruộng đồng cũng thế . Vậy mà đêm nằm vận công nội lực trí tuệ cũng không màn đến sức khoẻ dâng hết cho đời những dòng thơ sâu lắng và được nhiều đọc giả hâm mộ. Nhà thơ có một tấm lòng ưu ái giúp đỡ đàn em trên bước đường nghệ thuật, thật và rất thật hơn bao giờ hết. Ở xóm Mía, một nhánh sông Vàm, cũng có nữ thi sĩ tài hoa tính tình chơn chất, người phụ nữ đảm đang công việc để vươn lên với xã hội tự liệu lấy bản thân mình.
    Tâm huyết của nhà thơ sẽ mãi mãi đi hết chặng đường dài… nguyện làm cánh chim không mõi gắn liền với cuộc đời văn học.

                                                         Ngày 18 tháng 04 năm 2013
                                                                   THANH NHÀN